Bảo quản giày da đúng cách bạn đã biết chưa? Cùng bTaskee tìm hiểu cách cất giữ và bảo quản giày da bền đẹp, không bị bong tróc hiệu quả nhất!
Nguyên nhân khiến giày da nhanh hỏng, bị bong tróc
Trước tìm hiểu các cách bảo quản giày da thì hãy đến với một vài nguyên nhân chính khiến cho giày da bị bong tróc, nhanh hỏng:
- Khí hậu nước ta là nhiệt đới ẩm gió mùa, độ ẩm khá là cao. Đặc biệt vào ngày mưa, độ ẩm cao khiến giày dễ bị mất dáng và xuất hiện tình trạng nổ da.
- Người dùng chưa thường xuyên quan tâm vấn đề vệ sinh và bảo quản giày.
Cách cất giữ và bảo quản giày da không bị bong tróc
Cách cất giữ và bảo quản tùy thuộc vào từng loại giày da. Giày da được phân làm 3 loại chính: Giày da thường, giày da lộn và giày da bóng.
Cách bảo quản giày da thường
- Giày da màu đen: Khi sử dụng lâu ngày thì chắc chắn sẽ bị phai màu và có thể bị nứt. Lúc này bạn sử dụng mực tàu và nhúng vào lòng trắng trứng rồi đánh lên bề mặt giày và phơi khô. Sau cùng là dùng xi đánh giày để làm bóng và duy trì tuổi thọ.
- Đối với giày da màu trắng: Trước tiên bạn nên dùng giấm lau trên bề mặt giày sau đó dùng xi đánh giày trắng.
- Nếu bạn không sử dụng giày thì nên cất vào hộp và mỗi tuần nên kiểm tra tình trạng của giày, tránh việc giày bị ẩm mốc.
- Bạn không được để bề mặt giày tiếp xúc với các loại chất tẩy rửa và nhiệt độ cao. Nếu bạn muốn vệ sinh thì có thể sử dụng một miếng khăn ẩm và lau bề mặt giày.
Bảo quản giày da lộn
Giày da lộn có đặc điểm là dễ thấm nước và hút bụi bẩn nên nó được xem là loại giày da khó bảo quản nhất. Và cách bảo quản giày da lộn như sau:
- Không nên đi giày vào trời mưa vì giày sẽ bị ướt. Trường hợp bị ướt, bạn lấy một cuộn giấy quấn từ 2-3 vòng quanh giày và để ráo, nhưng trước đó bạn nhớ lót đồ giữ dáng giày hoặc giấy báo để giữ form giày da.
- Nếu giày bị dính bùn, hãy đợi khô và dùng bàn chải mềm để vệ sinh. Hãy chải theo cùng một hướng và đừng quên chải ở các kẽ giày.
- Khi không sử dụng, hãy bọc giày bằng giấy báo hoặc cất vào hộp đặt ở nơi thoáng khí.
Bảo quản giày da bóng
Đây là loại giày dễ vệ sinh nhất vì tính chống thấm nước và chống bám bụi tốt. Vậy nên cách bảo quản giày da bóng không quá khó khăn.
- Giày dính bẩn, bạn có thể lau sạch bằng khăn ẩm hoặc dùng kem đánh răng, acetone để vệ sinh. Cuối cùng lau lại bằng một chiếc khăn khô.
- Sau khi vệ sinh, bỏ giày da bóng vào túi hoặc hộp và đặt ở nơi thoáng khí để bảo quản.
Cách vệ sinh và làm sạch các loại giày da
Để vệ sinh và làm sạch các loại giày da đều nằm gọn trong 3 bước cơ bản như sau:
Bước 1: Vệ sinh bề mặt giày da
- Bước đầu tiên là lau sạch bụi trên bề mặt để giày tránh tình trạng bị cũ. Bạn lấy khăn thấm vào các loại nước tẩy chuyên dụng cho giày da và lau lại bằng một chiếc khăn ẩm.
- Nếu giày bị mốc, bạn nhúng khăn vào dung dịch pha giữa nước diệt nấm rồi chà lên vết nấm mốc. Sau đó lau lại bằng khăn khô.
- Nếu vết mốc quá cứng đầu, lúc này bạn sử dụng xà bông và dùng bàn chải chà lên vết mốc. Sau cùng lau lại bằng khăn ẩm, để ráo nơi khô thoáng và đánh xi giày.
Lưu ý:
- Bạn có thể dùng vỏ chuối để vệ sinh giày bởi trong vỏ chuối có chứa tinh chất danning có công dụng tẩy sạch vết bẩn và làm sáng bóng.
- Bạn hãy dùng sữa tươi để lau giày, điều này sẽ giúp giày tăng độ bền và phòng tránh được tình trạng giày bị nứt.
Bước 2: Làm mềm lớp da
Sau khi làm sạch bề mặt da thì bước tiếp theo sẽ là làm mềm da. Để làm mềm bạn có thể dùng dầu xả tóc vì trong thành phần dầu xả chứa một lượng ẩm rất lớn.
Có một số hoạt chất mà bạn cần tránh không cho lên bề mặt giày để tránh hậu quả bị hỏng da giày về sau là petroleum và dầu khoáng. Và một đôi giày da phải nên được làm mềm từ 2-3 lần trong 1 năm.
Bước 3: Đánh bóng lớp da
Bước đánh bóng cực kỳ quan trọng trong quá trình vệ sinh, nó giúp đôi giày trông như mới.
Tùy thuộc vào chất liệu giày mà bạn nên chọn loại xi kem, xi sáp hay xi nước. Nhớ tháo dây giày trước khi đánh xi giày nhé.
Lỗi thường gặp khi sử dụng giày da và cách xử lý
Hãy cùng điểm qua một số trường hợp không hay mà bạn có thể bị gặp phải trong quá trình sử dụng giày da và tìm hiểu cách xử lý hiệu quả nhé.
Da giày bị ẩm, ngấm nước
Vôi có tác dụng hút ẩm tốt nên trường hợp này bạn hãy bỏ vôi vào trong giày và để qua đêm, vôi sẽ hút hết ẩm bên trong giày.
Ngoài ra bạn có thể mua túi viên chống ẩm và đặt vào trong giày và rắc phấn rôm hay dùng miếng giấy lót khử mùi để loại bỏ mùi hôi.
Nứt, nẻ, bong da giày
Đây là tình trạng bạn sẽ gặp phải khi sử dụng giày da trong thời gian dài. Bạn hãy dùng mực tàu, nhúng vào lòng trắng trứng và đánh lên bề mặt da. Bạn đem phơi ở nơi khô thoáng, đợi khô bạn đánh lại bằng xi và tình trạng sẽ được cải thiện đáng kể.
Cứng da giày
Cứng da giày là tình trạng thường gặp đối với giày mới. Để làm mềm da giày, sử dụng khăn ẩm lau bề mặt là được.
Lưu ý: Lau giày da bằng khăn ẩm thường xuyên sẽ khiến giày bị mốc.
Trường hợp sử dụng lâu ngày thì giày bị cứng.
- Bạn hãy dùng một củ khoai tây hoặc quét hỗn hợp sữa tươi không đường pha nước cốt chanh tươi lên giày. Để hong khô và đánh xi sau cùng.
- Bạn có thể dùng dầu lửa quét lên bề mặt để làm mềm giày da.
Hôi da giày
Sau khoảng thời gian dài sử dụng thì da giày bốc mùi khó chịu. Bạn khắc phục bằng cách đặt những viên khử mùi, baking soda, hoa bưởi vào trong giày và để qua đêm. Mùi hôi giày sẽ được thuyên giảm và biến mất.
Để phòng tránh việc hôi giày, bạn nên mang tất và lót giày chất lượng tốt mỗi khi sử dụng nhé.
Và trên đây là các cách vệ sinh và cách bảo quản giày da bền đẹp, không bong tróc hiệu quả. Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn biết cách vệ sinh và bảo quản giày da hiệu quả.
Xem thêm bài viết khác
- Cách Tẩy Keo Silicon Trên Mọi Bề Mặt Nhanh Chóng, Hiệu Quả
- 10 Cách Làm Sáng Bạc Tại Nhà Sáng Bóng Như Mới
- 6 Cách Làm Sạch Bàn Ghế Gỗ Đơn Giản, Hiệu Quả