Thất Tịch (七夕) thường diễn ra vào ngày 7/7 âm lịch hằng năm và được bắt nguồn từ Trung Hoa. Vậy Lễ Thất Tịch ở Trung Quốc diễn ra như thế nào? Có những phong tục và món ăn đặc trưng gì? Cùng bTaskee khám phá ngay!
Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Ngày Thất Tịch Tại Trung Quốc
Lễ Thất Tịch Trung Quốc Bắt Nguồn Từ Đâu?
Lễ Thất Tịch Trung Quốc bắt nguồn từ sự tích Ngưu Lang Chức Nữ (织女与牛郎).
Lễ Thất Tịch tiếng Trung (Hán-Nôm) là 七夕节 (Qīxì jié). Ngoài ra, tại Trung Quốc ngày này còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như:
- Khất Xảo Tiết (乞巧節): Lễ hội để thể hiện tài năng.
- Thất Thư Đản (七姐誕): Sinh nhật của người chị thứ bảy.
- Xảo Tịch (巧夕): Ngày mà các cặp đôi tặng nhau chuỗi hạt Hồng Đậu để tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu.
Thất là “七 – bảy”, tử là “夕 – tối”. Vậy Thất Tịch có nghĩa là tối ngày 7 âm lịch. Đây được xem là một trong những ngày lễ quan trọng tại Trung Quốc. Cùng với sự phát triển và mở rộng giao lưu văn hóa của xã hội, lễ giỗ dần trở thành ngày lễ tình nhân của các nước phương Đông.
Sự tích Ngưu Lang Chức Nữ phiên bản Trung Quốc
Ngưu Lang (một chàng chăn bò) tình cờ gặp 7 nàng tiên đang tắm. Được con bò đồng hành khuyến khích nên chàng đã lấy trộm váy của họ. Khi 7 nàng tiên nhận ra sự việc, họ đã cử Chức Nữ (nàng tiên út) đi lấy lại váy. Ngưu Lang lúc này say mê nàng và cầu hôn thì được nàng đồng ý theo lễ giáo phong kiến.
Họ sống hạnh phúc bên nhau và có hai con. Nhưng Thiên Hậu (mẹ Chức Nữ) phản đối trước cuộc hôn nhân giữa tiên và người phàm nên đã dùng kẹp tóc của Chức Nữ tạo ra sông Ngân, chia cắt đôi vợ chồng. Từ đó Chức Nữ buồn bã dệt vải bên bờ sông, trong khi Ngưu Lang nuôi hai con ở bờ bên kia.
Cảm động trước tình yêu của họ, Ngọc Hoàng đã cho phép họ gặp nhau vào đêm Thất Tịch 7/7 âm lịch hàng năm. Lũ quạ cũng hợp thành tạo nên Cầu Ô Thước bắc qua sông Ngân cho đôi uyên ương.
Câu chuyện tình yêu đầy nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ đã trở thành một biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu, vượt qua mọi rào cản. Truyền thuyết này gắn liền với các vì sao Altair (Ngưu Lang), Vega (Chức Nữ), Aquila -β và -γ (hai con của họ), dải Ngân Hà (sông Ngân) và sao Deneb trong chòm sao Cygnus (Cầu Ô Thước).
Ý Nghĩa Ngày Thất Tịch
Tại Trung Quốc, ngày lễ Thất Tịch tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu, tôn vinh tình yêu thương của con người đối với thiên nhiên và đối với những người phụ nữ giỏi giang. Ngoài ra, nội hàm của lễ Thất Tịch phong phú hơn nhiều so với “tình yêu”, với nhiều nội dung khác như cầu con, cầu tài, cầu mùa màng bội thu…
3 Phong Tục Truyền Thống Trong Ngày Lễ Thất Tịch Tại Trung Quốc
Xâu Kim (穿针)
Vào ngày lễ Thất Tịch ở Trung Quốc, các cô gái sẽ tổ chức xâu kim, thêu thùa để cầu nguyện với với cô tiên “thợ dệt” – Chức Nữ với mong muốn được ban cho đôi bàn tay khéo léo trong các công việc nữ công gia chánh.
Từ xa xưa, người Trung Quốc còn có tập tục thả kim trên mặt nước vào ngày lễ Thất Tịch. Cây kim không bị chìm xuống nước tượng trưng cho sự thông minh và khéo léo của các cô gái. Tập tục này cũng từng được thể hiện trong bộ phim nổi tiếng một thời “Diên hy công lược”.
Trồng Cây Cầu Tử
Theo phong tục từ xưa của người Trung Quốc, trước ngày lễ Thất Tịch, người phụ nữ sẽ rải đất vào một khay gỗ và vùi các hạt đậu vào đó, chăm sóc đợi nó nảy mầm. Các mầm cây phát triển xanh tốt, đại biểu cho mong ước về con cái, sớm có thiên thần nhỏ sẽ trở thành hiện thực.
Bái Chức Nữ
Hàng năm, vào đêm Thất Tịch, các cô gái sẽ cúng bái Chức Nữ để cầu mong được xinh đẹp, khéo tay và có được gia đình hạnh phúc, ấm no. Bàn tế lễ thường có một bình hoa tươi có buộc chỉ đỏ, lư hương, hoa quả, ngũ tử (quế, táo đỏ, bảng tử, lạc, hạt dưa)… Ngoài ra, có một vật không thể thiếu trong trên mâm cúng đêm Thất Tịch đó chính là “thau thất tỷ”. Thau được đan bằng nan tre, dán giấy bên ngoài, bên trong có hình ảnh cầu ô thước, Ngưu Lang, giày dép, quần áo và đồ trang sức. Các cô gái vây quanh, vừa ăn ngũ tử, vừa ngắm sao Chức Nữ và thầm cầu nguyện.
6 Món Ăn Không Thể Thiếu Trong Ngày Lễ Thất Tịch Ở Trung Quốc
Sủi cảo (饺子)
Khi xưa có tập tục Khất Xảo (cầu xin tay chân nhanh nhẹn, nâng cao kỹ xảo thêu thùa): bảy cô gái sẽ tập trung lại, góp nguyên liệu cùng làm sủi cảo. Trong đó gói một đồng tiền, một cây kim và một quả táo đỏ. Sau khi lễ Khất Xảo kết thúc, các cô gái sẽ cùng nhau ăn sủi cảo. Dân gian truyền rằng, ai ăn phải đồng tiền sẽ có phúc, ăn phải kim sẽ tay chân nhanh nhẹn và ăn trúng táo đỏ sẽ kết hôn sớm.
Xảo quả (巧果)
Xảo quả cũng là một món ăn đặc trưng khác của người Trung Hoa trong ngày Thất Tịch. Để chế biến món này cần có những nguyên liệu như: dầu, bột mì, đường, mật ong. Người ta sẽ dùng bột mì tạo hình thành nhiều vật nhỏ xinh xắn, rồi chiên với dầu gọi là “Xảo quả”. Tối Thất Tịch bày lên mâm cúng cùng với đài sen tươi, củ sen trắng, củ ấu đỏ,…
Xảo Tô – Các loại bánh ngọt nhỏ (巧酥)
Hiện nay, nhiều tiệm bánh ngọt dân gian vẫn làm các loại bánh nhỏ hình Chức Nữ, gọi là Xảo Nhân (người nhỏ nhắn, thông minh, lanh lợi) và Xảo Tô (bánh ngọt nhỏ xinh xắn). Khi bán cho khách, người ta thường gọi là Tống Xảo Nhân (tặng người nhanh nhẹn). Ngoài ra, người lớn tuổi trong dịp này thường tặng Xảo Tô cho các cô gái nhỏ, với ý nghĩa chúc họ trở nên tay chân nhanh nhẹn và thông minh.
Gà (鸡)
Ở khu vực Chiết Giang Kim Hoa, vào ngày 7 tháng 7, nhà nào cũng phải giết một con gà. Nếu gà trống không gáy thì hai người có thể vĩnh viễn ở bên nhau.
Ngũ Tử (五子)
Trong đêm Thất Tịch, “Cúng Chức Nữ” là sự kiện quan trọng của các cô gái trẻ. Lễ vật cúng bao gồm trà, rượu, trái cây tươi, và không thể thiếu ngũ tử (nhãn nhục, táo đỏ, quả phỉ, đậu phộng, hạt dưa). Sau khi thắp hương cầu khấn, các lễ vật này trở thành món ăn khuya cho các cô gái.
Giá (绿豆芽)
Trước ngày lễ Thất Tịch, các cô gái sẽ ngâm đậu xanh trong nước cho đến khi đậu nảy mầm khoảng hơn 5cm, sau đó mang ra cúng, mang ý nghĩa “Rau bái thần” với mong muốn cầu cho mọi việc đều được suôn sẻ, bình an.
>> Khám phá thêm: 77+ Câu Chúc Thất Tịch Ý Nghĩa Nhất Dành Tặng Mọi Người
Câu Hỏi Liên Quan
Người Trung Quốc Thường Đi Đâu Vào Ngày Thất Tịch?
Họ thường đi ngắm sao Ngưu Lang – Chức Nữ và đi “Đón sương”. Cụ thể:
- Ngắm sao Ngưu Lang – Chức Nữ: Người dân Trung Quốc quan niệm rằng, nếu các cặp đôi yêu nhau cùng ngắm sao Ngưu Lang – Chức Nữ vào ngày lễ Thất Tịch thì sẽ ở bên nhau mãi mãi.
- Đi “Đón sương”: Ở một số khu vực phía Nam Trung Quốc, mọi người sẽ đi “đón sương” vào ngày lễ Thất Tịch. Họ mang theo một chiếc chậu nhỏ, đặt dưới tán cây hoặc nơi nào có sương để hứng. Theo dân gian, sương trong lễ hội Thất Tịch là giọt nước mắt của Ngưu Lang và vị tiên dệt vải Chức Nữ. Nếu những giọt sương rơi trúng mắt hoặc tay người có thể sẽ gặp may mắn.
Lễ Thất Tịch Trung Quốc Khác Gì So Với Ngày Valentine Ở Phương Tây?
Về ý nghĩa, Lễ Thất Tịch và Valentine đều có nét tương đồng là tôn vinh tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, hai ngày này vẫn có những khác nhau về nguồn gốc, phong tục và các hoạt động. Cụ thể:
Đặc điểm | Lễ Thất Tịch | Valentine |
Thời gian | 7/7 âm lịch | 14/2 dương lịch |
Đối tượng | Cả người yêu, vợ chồng và gia đình | Chủ yếu dành cho các cặp đôi yêu nhau |
Phong tục | Cúng sao, ăn chè đậu đỏ, cầu duyên, đi chùa… | Tặng quà (hoa, chocolate, thiệp…) |
Không khí | Trang trọng, ấm cúng, đậm chất truyền thống | Lãng mạn, trẻ trung theo phong cách Phương Tây |
Có Bộ Phim Trung Quốc Nào Liên Quan Đến Ngày Lễ Thất Tịch Không?
Bộ phim nổi tiếng một thời “Diên hy công lược” đã từng áp dụng tập tục “Thả kim trên mặt nước” vào ngày Thất Tịch. Nếu cây kim không bị chìm xuống nước, sẽ tượng trưng cho sự thông minh và khéo léo của các cô gái.
Trên đây là toàn bộ thông tin về sự tích Ngưu Lang Chức Nữ cùng những phong tục và các món ăn truyền thống trong ngày lễ Thất Tịch Trung Quốc, hy vọng sẽ giúp ích cho bạn đọc. Chúc các bạn có một ngày Thất Tịch 7/7 âm lịch tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Đừng quên theo dõi bTaskee để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích nhé!