Atiso từ lâu đã trở thành một loại thực phẩm quen thuộc đối với nhiều người. Tuy nhiên không phải ai cũng biết hết những lợi ích sức khỏe thần kỳ mà loài hoa này đem lại. Cùng bTaskee tìm hiểu về công dụng và những lưu ý khi dùng hoa atiso nhé!
Nguồn gốc, đặc điểm và thành phần dinh dưỡng
Nguồn gốc, đặc điểm
Atiso là loại cây lá gai thuộc họ hoa Cúc (Asteraceae) có nguồn gốc từ miền Nam châu Âu. Từ giữa thế kỷ 15, loại cây này đã được người Cổ Hy Lạp và Cổ La Mã trồng để lấy hoa làm rau ăn.
Atiso xuất hiện ở Việt Nam vào đầu thế 20, được trồng ở Sa Pa, Tam Đảo và nhiều nhất là ở Đà Lạt.
Thân thẳng, cứng, có khía dọc và có thể cao tới 2 mét là những đặc điểm nhận dạng của Atiso. Lá to, dài từ 50 – 80 cm mọc so le với thân. Rìa lá có răng cưa không đều. Mặt trên xanh lục mặt dưới có lông trắng, cuống lá to và ngắn.
Hoa atiso thường mọc ở ngọn, màu đỏ tím hoặc tím lơ nhạt; phần lá bao xung quanh hoa rộng, dày và nhọn. Đế hoa phủ đầy lông tơ, mang toàn hoa hình ống. Quả nhẵn bóng, màu nâu sẫm có mào lông trắng.
Nhiều bộ phận của cây atiso được sử dụng để làm thuốc hoặc chế biến thành các món ăn:
- Lá cây: thường được thu hái vào năm đầu, lúc cây chưa ra hoa hay hái trước tết âm lịch một tháng. Sau khi thu hoạch lá cây thường được phơi hoặc sấy khô.
- Rễ và thân cũng được thu hoạch khi cây kết thúc thời kỳ sinh trưởng và được dùng làm thuốc
- Đế hoa và lá bắc dùng làm trà hoặc dùng để nấu thành các món ăn.
Thành phần dinh dưỡng
Atiso được các nhà khoa học đánh giá là một trong các loại rau giàu chất chống oxy hóa nhất. Ngoài là một nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, bông atiso còn chứa nhiều vitamin (đặc biệt là vitamin C và K) và các chất khoáng đóng vai trò thiết yếu cho sự phát triển của cơ thể.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trung bình trong 100g atiso chứa:
- Năng lượng: 47 kcal
- Protein: 3,27g
- Chất xơ: 5,4g
- Canxi: 44mg
- Vitamin C: 11,7mg
- Sắt: 1,28mg
- Kali: 390mg
- Photpho: 90mg
Atiso có tác dụng gì? Mách bạn 7 công dụng thần kỳ của loại hoa này.
Điều hòa huyết áp
Chiết xuất từ atiso giúp thúc đẩy enzyme eNOS, có vai trò trong việc mở rộng mạch máu.
Ngoài ra atiso còn chứa một lượng lớn kali. Kali là một khoáng chất giúp thư giãn mạch máu và ngăn chặn hiện tượng hình thành các mảng máu đông bám trong thành mạch.
Theo nghiên một nghiên cứu ở 98 người đàn ông bị huyết áp cao đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ atiso hàng ngày trong 12 tuần làm giảm huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu trung bình lần lượt là 2,76 và 2,85 mmHg.
Do đó những người mắc chứng bệnh cao huyết áp có thể tham khảo loại thực phẩm này.
Cải thiện chức năng gan
Các nhà nhà khoa học đã chứng minh rằng các hợp chất chống oxy hóa có trong atiso, điển hình là cynarin và silymarin có thể giúp bảo vệ và tăng cường hiệu quả hoạt động của gan.
Trên thực tế, một thí nghiệm trên 90 người bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu đã chỉ ra thấy rằng việc tiêu thụ 600mg chiết xuất atiso mỗi ngày trong hai tháng đã dẫn đến cải thiện chức năng gan.
Ngoài ra, trong một nghiên cứu khác ở người lớn béo phì mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu đã cho thấy rằng việc bổ sung atiso vào chế độ ăn uống hàng ngày giúp giảm viêm gan và ít lắng đọng chất béo hơn so với nhóm đối tượng không dùng atiso.
Tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa
Bông atiso là một nguồn cung cấp các loại chất xơ tuyệt vời; có tác dụng giữ cho hệ tiêu hóa của bạn khỏe mạnh bằng cách thúc đẩy các vi khuẩn có lợi cho đường ruột và làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư ruột, giảm táo bón và tiêu chảy.
Cynarin – một hợp chất tự nhiên có trong atiso, đã được chứng minh có tác dụng kích thích sản xuất mật, tăng tốc độ hoạt động của ruột và cải thiện quá trình tiêu hóa một số chất béo.
Một nghiên cứu trên 247 người bị chứng khó tiêu đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ chiết xuất atiso hàng ngày trong sáu tuần làm giảm các triệu chứng đầy hơi, ợ chua và buồn nôn.
Để thuận tiện và đảm bảo sức khỏe tới khách hàng, bTaskee đã cho ra đời dịch vụ nấu ăn gia đình với mong muốn chăm sóc, nấu cho khách hàng những món ăn ngon và đảm bảo sức khỏe nhất.
Tải app bTaskee ngay tại đây
Giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS)
Ruột kích thích (IBS) là một hội chứng gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa : có thể gây đau dạ dày, chuột rút, tiêu chảy, chướng bụng, táo bón và đầy hơi.
Trong một nghiên cứu của NCBI trên những người bị IBS. Các nhà khoa học đã cho họ sử dụng chiết xuất atiso hàng ngày trong sáu tuần để giúp giảm bớt các triệu chứng.
Kết quả là hơn 96% người tham gia đánh giá chiết xuất này có hiệu quả ngang bằng thậm chí là tốt hơn các phương pháp điều trị IBS khác như dùng thuốc chống tiêu chảy hoặc thuốc nhuận tràng.
Ngoài ra, theo nghiên cứu khác trên 208 người bị IBS đã chứng minh rằng việc sử dụng 1-2 viên chiết xuất atiso trong hai tháng, giúp làm giảm các triệu chứng xuống 26% và cải thiện chất lượng cuộc sống 20% .
Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng các chất dinh dưỡng trong atiso có thể làm giảm đáng kể lượng đường trong máu.
Một nghiên cứu ở 39 người lớn thừa cân cho thấy rằng việc tiêu thụ atiso hàng ngày trong hai tháng làm giảm lượng đường trong máu lúc đói so với không bổ sung.
Ngoài ra, một nghiên cứu nhỏ khác trên những người lớn khỏe mạnh không mắc hội chứng chuyển hóa chỉ ra rằng tiêu thụ atisô luộc trong bữa ăn làm giảm lượng đường trong máu và cải thiện mức insulin 30 phút sau khi ăn.
Đặc biệt, chiết xuất atiso đã được chứng minh là làm chậm hoạt động của alpha-glucosidase, một loại enzyme phân hủy tinh bột thành glucose. Từ đó giúp cải thiện lượng đường trong máu.
Ngăn ngừa ung thư
Atiso là một nguồn cung cấp dồi dào các loại chất chống oxy hóa, điển hình là rutin, quercetin, silymarin và axit gallic. Những chất này có tác dụng trung hòa các gốc tự do để bảo vệ tế bào. Từ đó giúp ăn ngừa sự hình thành các khối u ác tính.
Đặc biệt, thí nghiệm nghiên cứu của NCBI Hoa Kỳ đã chứng minh rằng hợp chất silymarin được tìm thấy trong atiso có thể giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư da.
Ngoài ra, các cuộc nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng chiết xuất atiso làm giảm sự phát triển của ung thư.
Giảm lượng cholesterol LDL ‘xấu’ và tăng cholesterol HDL ‘tốt’.
Theo nghiên cứu chiết xuất lá atisô có thể có tác động tích cực đến mức cholesterol.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, các hợp chất trong atiso tác động tích cực đến cholesterol theo hai cách chính.
Đầu tiên, luteolin – một chất chống oxy hóa được tìm thấy trong atiso có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành cholesterol LDL “xấu”.
Thứ hai, các hợp chất khác trong atiso giúp cơ thể bạn xử lý cholesterol hiệu quả hơn, khuyến khích sản sinh ra các cholesterol HDL “tốt” .
Những lưu ý khi dùng bông atiso
Nên phân biệt hoa atiso xanh với atiso đỏ
Loại hoa đang được đề cập trong bài viết này là hoa atiso xanh. Atiso xanh thường có màu xanh ngả tím và kích thước cũng lớn gấp nhiều lần atiso đỏ.
Còn atiso đỏ (hay hoa bụt giấm) thực chất là một loại thực vật nhiệt đới thuộc họ Cẩm quỳ.
Không nên sử dụng quá nhiều atiso trong ngày
Khi sử dụng quá nhiều atiso trong ngày sẽ tăng khả năng co bóp túi mật, khiến lượng mật xuống tá tràng nhiều hơn. Ngoài ra có thể gây co thắt đại tràng, ruột, tạo ra các cơn đau thắt vùng bụng và đầy hơi. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng nước atiso nhiều hơn 1 lít mỗi ngày.
Có thể gây dị ứng
Một số người mắc chứng bệnh dị ứng với các loại cây thuộc họ Cúc nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng atiso.
Cách chọn, bảo quản và sơ chế bông atiso
Cách chọn hoa atiso
- Đối với các bông hoa atiso tươi: Bạn nên chọn những bông xanh tươi, chắc tay và không bị nấm hay dập nát.
- Đối với các bông khô: Chọn những lát hoa còn nguyên vẹn, có màu trắng và không bị mốc.
Cách bảo quản hoa atiso
- Bảo quản hoa atiso lâu, tươi ngon: Sau khi mua về bạn có thể cắm hoa và chậu nước và để ở nơi thoáng mát. Cách làm này sẽ giúp bảo quản hoa được khoảng 5 ngày. Ngoài ra, nếu muốn bảo quản lâu hơn bạn nên để ráo nước rồi dùng bì ni-lông hoặc giấy báo gói lại cất vào ngăn mát của tủ lạnh. Hoa atiso sẽ để được khoảng 1- 2 tuần theo cách này.
- Bảo quản hoa atiso khô: Bỏ hoa và túi buộc kín (có thể dùng túi hút chân không) sau đó bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Cách sơ chế bông atiso tươi
Bước 1: Rửa sạch trực tiếp dưới vòi nước: Vì bông atiso có khá nhiều khe, ngách, bạn nên sử dụng thêm bàn chải để vệ sinh từng kẽ cánh hoa.
Bước 2: Cắt bớt phần đầu bông và bỏ phần nhụy hoa: bạn nên cắt bớt phần đầu bông (khoảng 2-3cm) vì phần này khá cứng và khó ăn. Sau đó dùng chanh xát lên vết cắt để tránh thâm.
Ngoài ra, phần nhụy hoa của bông atiso khá chát nên bạn có thể cắt bỏ phần này. Cuối cùng, khi hầm canh nên bổ đôi bông ra và loại bỏ các phần gai nhỏ bên trong
Bước 3: Tỉa gai: Nếu muốn bông hoa thêm đẹp mắt hơn bạn cũng có thể tỉa lớp gai bên trên đầu hoa. Tuy nhiên, chúng sẽ mềm khi nấu và không gây cản trở gì nên bạn có thể không cần thực hiện bước này.
Bước 4: Mở nhẹ các cánh hoa: Dùng tay vuốt và mở nhẹ các cánh hoa. Bước làm này sẽ giúp các gia vị thấm đều vào hoa và quá trình nấu chín cũng được rút gọn thời gian hơn.
Câu hỏi liên quan
- Mỗi ngày nên dùng bao nhiêu lít trà atiso?
Theo các chuyên gia khuyến cáo mỗi ngày bạn chỉ nên dùng tối đa 1 lít trà atiso. Nếu sử dụng quá nhiều atiso trong ngày sẽ làm hại đến mật và đường ruột gây ra các triệu chứng trướng bụng, khó tiêu. Tham khảo thêm những lưu ý khi dùng atiso.
- Atiso bao nhiêu calo?
Theo USDA, trung bình trong 100g atiso chứa 47 kcal và nhiều dưỡng chất khác. Tìm hiểu thêm thành phần dinh dưỡng của atiso.
Hi vọng những kiến thức trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ về công dụng và những lưu ý khi sử dụng atiso. Hãy thêm loại hoa này vào chế độ ăn uống hằng ngày để nâng cao sức khỏe cho gia đình bạn nhé!
Xem thêm thông tin dinh dưỡng, công dụng rau củ quả:
- Bí Ngòi Và Lợi Ích Tuyệt Vời Đối Với Sức Khỏe
- 8 Lợi Ích Của Bông Cải Trắng Ít Người Biết
- 16 Lợi Ích Sức Khỏe Của Bông Cải Xanh
Hình ảnh: Canva