Cúng ông Táo khi về nhà mới là một phong tục truyền thống quan trọng trong văn hóa Việt Nam, mang ý nghĩa cầu mong sự bình an và tài lộc cho gia đình.
Để chuẩn bị mâm cúng ông Táo về nhà mới được thành kính và chỉn chu, gia chủ cần lưu ý từ khâu chọn ngày giờ, lễ vật và cách bày biện. Dưới đây là những thông tin chi tiết.
Vì Sao Phải Cúng Ông Táo Khi Về Nhà Mới?
Trong thủ tục nhập trạch, gia chủ thường cúng ông Táo khi về nhà mới với ý nguyện tạ ơn, bày tỏ lòng thành kính và xin phù hộ cho gia đình có một khởi đầu mới tốt hơn.
Ông Táo là vị thần cai quản bếp núc, được tin là sẽ đem đến bình an và thịnh vượng cho gia đình. Các gia đình không chỉ cúng ông Táo khi về nhà mới, mà còn vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm.
Hướng Dẫn Chọn Thời Gian, Chuẩn Bị Và Bày Biện Mâm Cúng Ông Táo Về Nhà Mới
Chọn Ngày Giờ Tốt Để Cúng Ông Táo Khi Về Nhà Mới
Theo các chuyên gia, ngày giờ tốt để cúng ông Táo khi về nhà mới cần phù hợp với các yếu tố phong thủy sau:
- Tuổi của gia chủ: Mỗi tuổi sẽ có những ngày giờ sinh và Hoàng Đạo khác nhau, từ đó sẽ có những ngày giờ tốt xấu khác nhau theo cung và mệnh.
- Hướng nhà: Theo phong thủy, hướng nhà cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn ngày giờ cúng.
Ngoài ra, gia chủ và gia đình nên tránh các ngày xấu như Tam Nương, Nguyệt Kỵ và Sát Chủ. Những ngày này được tính như sau:
- Ngày Tam Tam Nương rơi vào các ngày: mùng 3,7,13,18, 22, 27 âm lịch.
- Ngày Nguyệt Kỵ rơi vào các ngày: mùng 5, 14, 23 âm lịch.
- Ngày Sát Chủ là ngày đại kỵ sẽ thay đổi theo từng năm và phụ thuộc vào tuổi của gia chủ.
Để có thể chọn được ngày giờ cúng ông Táo phù hợp, gia chủ nên tham khảo lịch vạn niên hoặc nhờ chuyên gia phong thủy, thầy cúng để được tư vấn.
Lễ Vật Cúng Ông Táo Về Nhà Mới
Theo các chuyên gia phong thủy, gia chủ cần chuẩn bị lễ vật cúng sau:
- 1 bộ áo mũ ông Táo.
- 1 con cá chép: phương tiện giúp ông Táo di chuyển về trời.
- Mâm cơm: 1 đĩa xôi, 1 con gà luộc, 1 đĩa chả,… tượng trưng cho sự no đủ, may mắn và thịnh vượng.
- 2 bộ nhang đèn
- 1 bộ giấy tiền vàng mã: với ý nghĩa cầu mong tài lộc cho gia đình và thể hiện sự tôn trọng với ông Táo
- Mâm ngũ quả: 5 loại ngũ quả khác nhau mang ý nghĩa phong phú, đủ đầy và tài lộc.
Cách Bày Biện Mâm Cúng
- Đặt bộ áo mũ ông Táo ở giữa mâm cúng và để kèm theo giấy tiền vàng mã để tiễn ông về trời.
- Cá chép sống hoặc cá chép giấy sẽ đặt bên cạnh bộ đồ cúng, nếu sử dụng cá chép sống nên để trong thau nước còn cá chép giấy sẽ xếp gọn bên cạnh.
- Sắp xếp các món ăn như xôi, gà, chả,.. ở phía trước và đặt ở trung tâm sao cho đẹp mắt, đầy đủ.
- Đặt mâm ngũ quả ở góc trên bên trái mâm cúng với đủ năm loại tượng trưng cho sự phong phú và thịnh vượng.
- Lư hương với hoa tươi cần đặt ở hai bên mâm cúng để tạo tăng phần trang trọng.
>> Bạn có biết: 16 Thủ Tục Về Nhà Mới Cần Biết Để Rước Bình An Và May Mắn Là Gì?
Bài Văn Khấn Cúng Ông Táo Về Nhà Mới
Văn khấn cúng ông Táo về nhà mới rất quan trọng, thể hiện lòng thành kính của gia chủ đối với ông Táo cùng các vị thần linh. Mặc dù có nhiều bài văn khấn mẫu nhưng gia chủ cũng có thể tự soạn thảo văn khấn của riêng mình để thể hiện tâm tư và nguyện vọng của gia đình.
Gia chủ có thể tham khảo bài mẫu sau:
“Nam mô a di đà Phật! (lặp lại 3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười Phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Các ngài Thần Linh Thổ Địa, Bản Gia Táo Quân, Thần linh bản xứ cai quản trong khu vực này.
Tín chủ (chúng) con là:……………………………………….
Hôm nay là ngày….. tháng…. năm…. tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án. Trước bản tọa chư vị Tôn thần tín chủ con kính cẩn tấu trình:
Các vị Thần linh,
Thông minh chính trực
Giữ ngôi tam thai
Nắm quyền tạo hoá
Thể đức hiếu sinh
Phù hộ dân lành
Bảo vệ sinh linh
Nêu cao chính đạo.
Nay gia đình chúng con công trình viên mãn, hoàn tất tân gia, chọn được ngày lành dọn đến cư ngụ, phần sài nhóm nhóm lửa, kính lễ khánh hạ. Cầu xin chư vị minh Thần cho chúng con được nhập vào nhà mới tại:… và lập bát nhang thờ chư vị Tôn thần.
Chúng con xin phép chư vị Tôn thần cho rước vong linh Gia tiên chúng con về ở nơi này để thờ phụng. Chúng con cầu xin chư vị minh Thần gia ân tác phúc, độ cho gia quyến chúng con an ninh, khang thái, làm ăn tiến tới, tài lộc dồi dào vạn sự như ý, vạn điều tốt lành.
Tín chủ lại mời các vị Hương Linh phảng phất trong khu vực này, các Linh Hồn Chiến sĩ trận vong, các oan hồn uổng tử không nơi nương tựa quanh đây xin cùng tề tựu hâm hưởng lễ vật.
Tín chủ thành tâm lễ tạ Chư vị Hương Linh bấy lâu đã hộ trì tín chủ khởi công thuận lợi, cho đến nay đã hoàn tất thi công, tín chủ lại xin các vị tiếp tục phù trì tín chủ từ đây ăn nên làm ra, gia đạo thuận hòa, người người an lạc, nạn tiêu tai giảm, toàn gia hưng thịnh.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì. Cẩn cáo!
Nam mô a di Đà Phật! (lặp lại 3 lần)”
Nghi Thức 4 Bước Cúng Ông Táo Về Nhà Mới
Để thủ tục cúng ông Táo về nhà mới được diễn ra suôn sẻ và thuận lợi, gia chủ và gia đình cần thực hiện trình tự theo 4 bước sau:
- Thắp hương: Số lượng thường là 3 đến 5 cây được cắm hướng lên trên.
- Đọc bài văn khấn cúng ông Táo: Bài văn khấn sẽ do gia chủ hoặc người trụ cột gia đình đọc nhằm thể hiện tâm tư và nguyện vọng. Đứng trước bàn thờ, tay cầm hương và bắt đầu bằng việc kính chào ông Táo, các vị thần linh trước khi trình bày văn khấn với giọng rõ ràng, từ tốn và thành tâm.
- Nghi thức hóa vàng mã: Vàng mã sẽ được sắp xếp gọn gàng để dễ cháy đều. Gia chủ cũng có thể kèm theo việc rắc rượu lên tro sau khi hóa vàng để thể hiện lòng biết ơn tới thần linh.
- Xử lý lễ vật sau khi cúng: Các lễ vật cúng như như đồ ăn thì gia đình có thể thụ lộc (nghĩa là dùng chung trong nhà để hưởng phúc). Không nên bỏ đồ lễ, vàng mã sau khi đốt xong cũng nên được rải ra ngoài vườn hoặc nơi sạch sẽ.
*Lưu ý: Sau khi đốt giấy tiền vàng bạc, gia chủ nên dùng nước để dập tắt hoàn toàn ngọn lửa, tránh trường hợp lửa bén sang vật liệu dễ cháy xung quanh.
2 Điều Cần Tránh Khi Cúng Ông Táo Về Nhà Mới
Để đảm bảo buổi lễ được diễn ra thuận lợi, gia chủ nên lưu ý 2 điều kiêng kỵ sau từ các chuyên gia phong thủy:
- Không dùng đồ cũ hoặc kém chất lượng: tuyệt đối không sử dụng các món đồ cũ, đồ đã qua sử dụng vì chúng sẽ mang theo những năng lượng xấu làm ảnh hưởng đến may mắn và tài lộc ở nơi ở mới.
- Không lớn tiếng, gây ồn ào: Lễ cúng cần thực hiện ở nơi trang nghiêm. Những tiếng ồn lớn hay cãi vã sẽ phá vỡ sự thanh tịnh và làm mất đi sự linh thiêng của buổi lễ.
*Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.
Câu Hỏi Thường Gặp
Có Thể Cúng Ông Táo Ngoài Trời Được Không?
Được, gia chủ có thể cúng ông Táo ngoài trời trong một số trường hợp đặc biệt như không gian nhà không đủ hoặc không có bàn thờ riêng cho ông. Khi cúng bên ngoài, gia chủ cần đảm bảo khu vực cúng sạch sẽ, trang trọng và đầy đủ lễ vật.
Nhà Chưa Hoàn Thiện Có Thể Cúng Ông Táo Được Không?
Vẫn có thể cúng ông Táo, việc này không chỉ xin ông phù hợp cho quá trình xây dựng diễn ra suôn sẻ mà còn thể hiện lòng thành kính của gia đình.
Mâm Cúng Ông Táo Về Nhà Mới Và Mâm Cúng Ông Táo Hàng Năm (23 Tháng Chạp) Khác Nhau Thế Nào?
Dưới đây là bảng so sánh mâm cúng ông Táo khi về nhà mới và vào ngày 23 tháng Chạp:
Cúng ông Táo về nhà mới | Cúng ông Táo 23 tháng Chạp | |
Mục đích | Cầu mong ông Táo phù hộ cho gia đình bình an, ấm no khi chuyển đến nhà mới. | Tiễn ông về trời báo cáo công việc gia đình trong năm qua. |
Lễ vật | Thường có gà luộc, xôi, bánh chưng, hương hoa, trái cây, rượu. | Ngoài lễ vật cơ bản, còn có cá chép và đồ vàng mã để đốt tiễn ông. |
Nếu Gia Đình Không Có Bàn Thờ, Có Thể Cúng Ông Táo Trên Bàn Ăn Không?
Có thể cúng ông Táo trên bàn ăn nếu gia đình không có bàn thờ, miễn là khu vực cúng sạch sẽ, trang nghiêm và bày trí đầy đủ lễ vật.
Việc chuẩn bị mâm cúng ông Táo về nhà mới không chỉ mang ý nghĩa cầu bình an, may mắn mà còn thể hiện lòng thành kính đối với ông Táo. Hy vọng với những hướng dẫn chi tiết về lễ vật và cách bày trí mâm cúng sẽ giúp gia đình dễ dàng thực hiện được nghi lễ quan trọng này khi chuyển về nhà mới.