Tết Trung thu là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người Việt, đặc biệt là trẻ nhỏ. Không chỉ là dịp để gia đình sum vầy, thưởng thức bánh trung thu và ngắm trăng rằm, Trung thu còn mang những giá trị văn hóa sâu sắc và những câu chuyện cổ tích đầy ý nghĩa. Hãy cùng bTaskee khám phá nguồn gốc, ý nghĩa và những hoạt động đặc sắc của Tết Trung thu qua bài viết này.
Tết Trung Thu Là Ngày Gì?
Tết Trung thu, còn được gọi là Tết Thiếu Nhi, Tết Trông Trăng, Tết Hoa Đăng hoặc Tết Đoàn Viên, là một lễ hội truyền thống quan trọng ở nước ta đặc biệt dành riêng cho trẻ em, diễn ra vào ngày Rằm tháng Tám âm lịch hằng năm. Trẻ con rất mong đợi đến Trung thu vì sẽ được người lớn dẫn đi chơi và tặng quà như đèn Trung thu, đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ, bánh Trung thu…
Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Của Tết Trung Thu
Nguồn Gốc
Nguồn gốc của Tết Trung thu ở Việt Nam chưa rõ ràng, nhưng có nhiều giả thuyết liên quan. Nổi bật nhất là 3 truyền thuyết: Hằng Nga và Hậu Nghệ, Vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng, và chú Cuội của Việt Nam.
Theo đó, truyện kể rằng Tết Trung thu bắt đầu từ thời nhà Đường, khi vua Duệ Tôn được một vị tiên đưa lên cung trăng vào đêm rằm tháng Tám. Sau chuyến đi kỳ diệu này, nhà vua đã lập ra Tết Trung thu để kỷ niệm.
Trong khi đó, các nhà khảo cổ học cho rằng Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa khi họ tìm ra những hình ảnh lễ hội được khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Văn bia chùa Đọi năm 1121 cũng ghi lại rằng Tết Trung thu đã được tổ chức chính thức ở kinh thành Thăng Long từ thời nhà Lý.
Trong một góc nhìn khác, học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) cho rằng nguồn gốc Tết Trung thu có liên quan đến việc người Á Đông coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời như một cặp vợ chồng. Ngày rằm tháng Tám (khi trăng tròn và sáng nhất) được coi là ngày sum họp của cặp đôi này và là dịp để tổ chức lễ hội đêm trăng.
Ngoài ra, ở nước ta Tết Trung thu cũng mang đậm nét văn hóa nông nghiệp. Vào tháng Tám, khi mùa gieo trồng đã xong và thời tiết dịu mát, người dân sẽ tổ chức lễ hội cầu mùa, ca hát vui chơi và bày tỏ lòng biết ơn đối với mẹ thiên nhiên.
Ý Nghĩa
Theo quan niệm dân gian Á Đông, mặt trăng tượng trưng cho niềm vui, nỗi buồn, sự đoàn viên và sum họp. Do đó, Tết Trung thu (hay Tết Đoàn viên) là dịp để các gia đình quây quần bên nhau, làm mâm cỗ cúng gia tiên và cầu mong hạnh phúc, bình an.
Trẻ em trong làng xóm sẽ cùng nhau phá cỗ, rước đèn và vui chơi ca hát, góp phần làm cho không khí ngày lễ thêm náo nhiệt.
Ngoài ra, người xưa còn quan sát trăng rằm tháng Tám để dự đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Theo đó, trăng tròn và vàng rực là báo hiệu một vụ mùa tơ tằm bội thu, trăng xanh lục dự báo thiên tai và trăng màu cam sáng rõ là dấu hiệu của một đất nước thịnh trị, thái bình.
5 Biểu Tượng Không Thể Thiếu Trong Ngày Trung Thu Tại Việt Nam
Mặt Trăng
Hình ảnh Ông Trăng là biểu tượng quan trọng nhất của Tết Trung thu. Vầng Trăng tròn tượng trưng cho sự viên mãn, đoàn tụ và hạnh phúc.
Thiếu Nhi
Tết Trung thu ở nước ta còn được gọi là Tết Thiếu Nhi, ngày đặc biệt dành riêng cho trẻ em. Do đó đây là hình ảnh không thể thiếu trong ngày rằm tháng Tám này!
Đèn Lồng
Ý nghĩa đèn lồng Trung thu là biểu tượng của sự may mắn, ánh sáng, niềm vui, ước mơ và hy vọng. Đặc biệt là từ xa xưa người Việt Nam ta đã có phong tục treo lồng đèn trước cửa nhà hoặc cho trẻ em vui chơi vào ngày rằm tháng Tám mỗi năm. Vậy nên khi nhắc đến Trung thu, mọi người sẽ nghĩ ngay đến những chiếc đèn lồng đầy màu sắc.
Chị Hằng Và Chú Cuội
“Đêm nay trăng Trung thu em mơ thấy Cuội già
Đêm nay trăng Trung thu em ca múa cùng trăng
Đêm nay trăng Trung thu em mơ thấy chị Hằng”
Trích lời bài hát “Chú Cuội Và Chị Hằng”.
Trung thu và Chú Cuội – Chị Hằng là những hình ảnh dường như không thể tách rời vì câu chuyện về Chị Hằng bay lên cung trăng và Chú Cuội ngồi gốc cây đa đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt từ bao đời nay. Hình ảnh này cũng gợi nhắc về những giá trị truyền thống, tình cảm gia đình và tình yêu quê hương.
Cây Đa
Cây Đa cũng là một biểu tượng nổi bật khác của Trung thu vì hình ảnh này gắn liền với câu chuyện của Chị Hằng và Chú Cuội. Ngoài ra, tại các vùng quê, gốc cây Đa là nơi tụ tập của trẻ em trong ngày Tết Trung thu để cùng nhau chơi các trò chơi dân gian, ca hát và kể chuyện.
Những Tên Gọi Khác Của Tết Trung Thu
Tết Đoàn Viên
Người xưa gọi Tết Trung thu là Tết Đoàn Viên bởi vầng trăng rằm tháng Tám sáng rõ nhất, tượng trưng cho sự viên mãn và hạnh phúc. Vào ngày này, mọi người từ trẻ nhỏ đến người lớn đều quây quần bên nhau để chia sẻ những khoảnh khắc ấm áp, vui vẻ. Cùng nhau thưởng thức bánh Trung thu, bày mâm ngũ quả và cúng trăng rằm.
Tết Thiếu Nhi
Ở nước ta, từ rất lâu Trung thu vốn dĩ đã trở thành dịp đặc biệt dành cho trẻ em nên được gọi là Tết Thiếu Nhi. Vào ngày này, trẻ em thường được cha mẹ tặng quà, lồng đèn, bánh trung thu và tham gia các hoạt động vui chơi như rước đèn, múa lân, phá cỗ.
Tết Trung thu còn được xem là dịp để người lớn bày tỏ tình yêu thương và quan tâm đến con cái, đồng thời giúp trẻ em hiểu về truyền thống và giá trị văn hóa dân tộc.
Tết Trông Trăng
Rằm tháng Tám được xem là ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm, do đó mọi người (đặc biệt là trẻ nhỏ) thường tụ họp để ngắm trăng. Do đó Tết Trung thu cũng có tên gọi khác là Tết Trông Trăng.
Bên cạnh đó, ngắm trăng là một truyền thống quan trọng trong ngày Trung thu tại Việt Nam. Hình ảnh trăng sáng và tròn là biểu trưng cho sự đoàn viên, viên mãn và hạnh phúc. Các gia đình sẽ cùng nhau bày mâm cỗ, ngắm trăng, trò chuyện và kể cho nhau nghe những câu chuyện cổ tích như chị Hằng và chú Cuội.
Tết Hoa Đăng
Tên gọi này thường phổ biến tại Trung Quốc vì phong tục “thả hoa đăng” luôn gắn liền với văn hóa người Hoa ngày Trung thu. Họ không chỉ treo đèn lồng trước nhà mà còn thả hoa đăng trên sông, hồ hay thả lên trời với ước nguyện được ghi bên trong và ngọn nến thắp sáng.
Ở Việt Nam, tên gọi “Tết Hoa Đăng” không phổ biến bằng Tết Trung thu. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn tổ chức thả hoa đăng trên sông, hồ và thu hút đông đảo người dân tham gia.
Top 8 Hoạt Động Không Thể Thiếu Trong Ngày Trung Thu Tại Việt Nam
Rước Đèn
Rước đèn Trung thu có lẽ là một ký ức tuổi thơ không thể nào quên trong mỗi chúng ta. Những chiếc đèn lồng màu sắc được các em nhỏ rong ruổi khắp xóm làng cùng những lời ca tiếng hát lanh lảnh đầy quen thuộc mà cũng thật đẹp.
Ngày nay có rất nhiều kiểu dáng đèn trung thu hiện đại với những mẫu mã đa dạng, đẹp mắt,… càng thu hút nhiều em nhỏ lựa chọn để rước vào đêm hội trăng rằm.
Phá Cỗ Đêm Trăng
Bên cạnh hoạt động rước đèn, phá cỗ trung thu cũng đặc biệt được nhiều em nhỏ háo hức trông ngóng. Mâm cỗ đêm trăng tùy thuộc vào mỗi địa phương, mỗi gia đình mà sẽ có thành phần khác nhau.
Trong đó sẽ thường có các loại hoa quả đặc trưng của mùa thu như bưởi chua, quả thị, chuối chín, quả hồng đỏ, quả na,… Trái cây sẽ được tỉa, tạo hình thành những con vật ngộ nghĩnh, sáng tạo. Bên cạnh đó sẽ có thêm những loại bánh kẹo không thể thiếu trong Tết Trung thu như bánh dẻo, bánh nướng,…
Cả gia đình sẽ cùng nhau trò chuyện, ngắm trăng, thưởng thức mâm cỗ – là những thức quà tinh hoa của tiết trời thu.
Múa Lân
Múa lân là một hoạt động vui chơi Trung thu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khoảng 2 – 7 người sẽ mặc những trang phục hình con Lân biểu diễn những động tác uyển chuyển, thu hút. Đi kèm với đó sẽ hình ảnh ông Địa cùng tiếng trống vang dội khắp xóm làng.
Trong truyền thuyết, hình ảnh con Lân đại diện cho điềm lành, may mắn. Vì vậy hoạt động này diễn ra với ý nghĩa mong cầu hạnh phúc, cuộc sống thuận lợi bình an về sau.
Làm Đồ Chơi Trung Thu
Bên cạnh việc chọn mua tại cửa hàng thì việc tự tay chuẩn bị, thực hiện những món đồ chơi Trung thu sẽ giúp ngày lễ này thêm phần ý nghĩa hơn. Hình ảnh các thành viên trong gia đình cùng quây quần, vui vẻ thực hiện làm những chiếc đèn ông sao, đèn lồng bằng vỏ lon,… thật đẹp trong ngày hội trăng rằm.
Đây là một hoạt động giúp gắn kết thêm tình cảm gia đình, tôn vinh giá trị nhân văn đầy ý nghĩa của ngày Tết này.
Làm Bánh Trung Thu
Bánh Trung thu – bánh dẻo, bánh nướng là những nét đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết đoàn viên rằm tháng 8 hằng năm. Hiện nay, mọi người có thể dễ dàng chọn mua những loại bánh đa dạng tại các cửa hàng.
Cách làm bánh trung thu cũng khá đơn giản, nhanh chóng. Vì vậy nếu có thể, hãy giúp gia đình của mình thêm gắn kết, tình cảm gắn bó hơn khi cùng nhau vào bếp, làm những chiếc bánh ngọt thơm này nhé.
Ngắm Trăng Rằm Tháng Tám
Sau bữa cơm chính, cả gia đình sẽ cùng nhau ăn bánh Trung thu, thưởng trà, ngắm trăng. Đây sẽ là dịp các thành viên cùng nhau tâm sự, chia sẻ về những niềm vui, sự muộn phiền trong cuộc sống.
Sau thời gian dài bộn bề, những giây phút thảnh thơi, yên bình này sẽ giúp tâm hồn thêm thư thái, vun đắp tình cảm gia đình. Đây cũng chính là giá trị tốt đẹp nhất của Tết Trung thu muốn mang đến.
Trời trong xanh, trăng Trung thu tròn sáng, quả thật là một thời điểm thích hợp để cả gia đình cùng ngồi ngắm phong cảnh.
Hát Trống Quân
Hát trống quân là một phong tục truyền thống tốt đẹp thường được diễn ra vào lễ Trung thu. Đây là một hoạt động hát ca đối đáp giữa các tốp nam, nữ nhằm mừng hội trăng rằm cũng như thể hiện tình cảm, mong muốn tìm được người bạn đời hợp ý.
Tuy nhiên hiện nay hoạt động này đã không còn quá phổ biến, chỉ diễn ra ở một số địa phương nhất định.
Tặng Quà Cho Nhau
Tại Việt Nam, mọi người thường dành tặng những món quà cho bạn bè, người thân, đối tác, đồng nghiệp,… vào dịp Trung thu. Đây là cơ hội để mọi người thể hiện tình cảm gắn bó, quan tâm lẫn nhau.
Những món quà trong ngày này có thể là bánh dẻo, bánh nướng, hoa quả,… thơm thảo. Với trẻ nhỏ, đây sẽ là dịp được cha mẹ mua tặng những món đồ chơi yêu thích, phổ biến nhất sẽ là lồng đèn.
Những Quốc Gia Khác Mừng Lễ Trung Thu Thế Nào?
Trung Thu Tại Trung Quốc
Tết Trung thu được xem là ngày Tết truyền thống quan trọng thứ hai tại Trung Quốc, chỉ sau Tết Nguyên Đán. Nguồn gốc của ngày này gắn liền với câu chuyện dân gian về Hằng Nga và Hậu Nghệ.
Tương tự với Việt Nam, đây là dịp để mọi gia đình Trung Hoa sum họp, thưởng thức bữa cơm đoàn viên dưới ánh trăng rằm và tham gia vào các hoạt động truyền thống như rước đèn, múa lân, ăn bánh trung thu…
Ngoài ra, lịch sử Tết Trung thu bắt nguồn từ thời nhà Chu với nghi lễ cúng bái Nguyệt thần. Đến thời nhà Đường và Nam Tống, lễ hội phát triển thêm các hoạt động như ngắm trăng và vui chơi hay tặng bánh trung thu cho nhau. Thời nhà Minh và Thanh có sự phong phú hơn với các hoạt động như thắp hương, làm cây Trung thu, thắp đèn tháp, thả đèn trời và múa rồng lửa.
Ngày nay, tuy một số phong tục đã thay đổi nhưng những giá trị cốt lõi như cúng ông bà và ngắm trăng vẫn được gìn giữ tại Trung Quốc. Bên cạnh bánh trung thu, người ta còn bày trí các loại trái cây như đào, quýt, thanh long trên bàn thờ gia tiên và trang trí nhà cửa bằng đèn lồng.
Trung Thu Tại Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, Tết Trung thu được gọi là Chuseok, “đêm mùa thu” hoặc “đêm trăng đẹp nhất trong năm”. Lễ hội diễn ra trong ba ngày liên tiếp 14, 15, 16 tháng Tám Âm lịch. Đây là dịp để người Hàn sum họp gia đình, tưởng nhớ tổ tiên, đi tảo mộ và tặng quà cho nhau.
Khác với Việt Nam, bánh trung thu truyền thống của Hàn Quốc là Songpyeon, có hình vầng trăng khuyết hoặc bán nguyệt, được làm từ bột gạo, đậu xanh, lá thông và đường. Món bánh này tượng trưng cho mặt trăng và mùa màng bội thu, mang ý nghĩa cầu mong sự thịnh vượng và may mắn.
Trung Thu tại Nhật Bản
Tết Trung thu ở Nhật Bản được gọi Tsukimi hoặc Otsukimi, có nghĩa là “ngắm trăng” có lịch sử từ hàng ngàn năm về trước. Đây là dịp để tôn vinh vẻ đẹp của trăng tròn mùa thu và thể hiện lòng tôn kính thiên nhiên của người Nhật.
Trong ngày Tsukimi, mọi người thường ngắm trăng bên cạnh cửa sổ hoặc những nơi thoáng đãng, mặc Kimono truyền thống, đến đền thờ, thưởng thức bánh Tsukimi Dango (bánh trung thu Nhật Bản) và trang trí nhà cửa bằng cỏ lau (Susuki).
Một điểm độc đáo của Tết Trung thu Nhật Bản là được tổ chức hai lần mỗi năm. Lần đầu tiên gọi là Zyuyoga, diễn ra vào rằm tháng Tám Âm lịch (15/8) khi trăng tròn và sáng nhất. Lần thứ hai, Zyusanya, diễn ra vào ngày 13 tháng 9 Âm lịch, được gọi là “trăng sau”. Người Nhật tin rằng chỉ ngắm trăng vào ngày 15 sẽ mang lại điều không may, gọi là “Kaka-tsukimi”.
Trung Thu Tại Singapore
Tương tự như Việt Nam, Singapore mừng Tết Trung thu vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hằng năm. Đây là một mùa lễ truyền thống lớn ở Singapore, đặc biệt quan trọng với cộng đồng người Hoa (chiếm tới 75% dân số).
Các trung tâm thương mại sẽ được trang trí rực rỡ sắc màu với hàng loạt sản phẩm đặc trưng. Đèn lồng và các loại đèn Trung thu hiện đại cũng tràn ngập khắp đường phố.
Bánh Trung thu là món ăn không thể thiếu. Nhân đậu đỏ, hạt sen là hương vị truyền thống, nhưng bánh Trung thu Singapore còn có nhiều biến tấu độc đáo như trà xanh, bí đỏ, sầu riêng…Hai địa điểm vui chơi Trung thu Singapore nổi bật là Chinatown Singapore và Gardens by the Bay. Mỗi nơi được trang hoàng hết sức lộng lẫy cùng nhiều hoạt động vui chơi giải trí đặc trưng dành cho cả thiếu nhi và người lớn.
Tại Campuchia, Lào Và Myanmar
- Campuchia: Tết Trung thu ở Campuchia còn gọi là Lễ hội Nước và Trăng (Bon Om Touk), diễn ra vào tháng 11 hằng năm. Mùa lễ kéo dài ba ngày, mở đầu bằng cuộc đua thuyền sôi động trên sông Tonle Sap. Đêm đến, đường phố nhộn nhịp với các gian hàng ẩm thực và các buổi hòa nhạc. Họ cũng tổ chức nghi lễ Sampeah Preah Khae (chào đón ánh trăng) với mâm cúng Ak Ambok và đèn lồng thủ công. Người Campuchia tin rằng con thỏ trên mặt trăng sẽ lắng nghe và ban phước lành.
- Lào: Tết Trung thu ở Lào gắn liền với Lễ hội That Luang tại đền Pha That Luang ở Viêng Chăn. Mùa lễ kéo dài từ ba đến bảy ngày, với điểm nhấn là cuộc diễu hành và dòng người đổ về đền để cầu nguyện.
- Myanmar: Vào ngày trăng tròn, Thadingyut là lễ hội lớn nhất ở Myanmar sau Tết Nguyên Đán Thingyan. Diễn ra vào tháng Thadingyut, trùng với thời điểm Tết Trung thu, ngày Thadingyut mang đậm màu sắc Phật giáo với các hoạt động tôn kính các vị sư và bày tỏ lòng biết ơn đến cha mẹ, thầy cô và người lớn tuổi.
Tư Vấn Sử Dụng Dịch Vụ Tiện Ích Gia Đình Để Cả Nhà Có Ngày Trung Thu Trọn Vẹn
Trung thu là dịp để cả gia đình quây quần bên nhau, cùng tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc. Để ngày Tết đoàn viên thêm trọn vẹn, bTaskee gợi ý đến bạn một số dịch vụ tiện ích gia đình, giúp tiết kiệm thời gian và công sức, từ đó an tâm vui vẻ bên gia đình:
Dọn dẹp nhà cửa đón Trung thu
- Giúp việc nhà theo giờ và dịch vụ Tổng vệ sinh: Không gian nhà cửa từ phòng khách, nhà bếp, nhà vệ sinh…sẽ được dọn dẹp sạch sẽ và ngăn nắp. Tùy vào khối lượng công việc mà bạn nên chọn loại hình dịch vụ vệ sinh tương ứng.
- Các dịch vụ nội trợ khác như giặt ủi, vệ sinh sofa-rèm-nệm-thảm, đi chợ hộ, nấu ăn gia đình.
Nhóm dịch vụ vệ sinh điện máy
- Vệ sinh máy lạnh cho không gian trong lành.
- Vệ sinh máy giặt cho quần áo thơm tho, thiết bị bền lâu.
- Vệ sinh bình nóng lạnh.
Nhóm vệ sinh và dọn dẹp văn phòng
- Vệ sinh văn phòng cho không gian làm việc thoải mái.
- Vệ sinh thảm văn phòng.
Nhóm dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Ngoài ra bTaskee còn cung cấp nhiều dịch vụ khác như Chuyển nhà trọn gói, phun khử khuẩn…để đáp ứng mọi nhu cầu nội trợ trong nhà. Từ đó góp phần làm cho ngày Trung thu của gia đình trở nên trọn vẹn hơn.
Tải app bTaskee ngay!
Tổng Hợp Những Hình Ảnh Đẹp Nhất Ngày Tết Trung Thu
Câu Hỏi Liên Quan
Lễ Hội Trung Thu Lớn Nhất Việt Nam Diễn Ra Ở Đâu?
Lễ hội Thành Tuyên – Tuyên Quang được coi là lễ hội trung thu độc đáo, lớn nhất cả nước và đã được Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận như: Lễ hội có nhiều mô hình trung thu độc đáo, lớn nhất, mâm cỗ trung thu lớn nhất Việt Nam,…
Tết Trung Thu Năm Nay Rơi Vào Ngày Nào?
Tết Trung thu 2024 rơi vào ngày 15 tháng 8 Âm lịch, tức thứ Ba, ngày 17 tháng 9 Dương lịch.
Có Những Bài Thơ Nào Về Tết Trung Thu?
Những bài thơ Trung thu nổi bật có thể kể đến như: Trung thu đến, Vui trung thu, Trăng Rằm Tháng Tám, Vui Trung Thu Cùng Bé, Bé Hỏi Cuội, Đêm Trung Thu, Mở Hội Đón Trăng…
Tết Trung Thu Thời Xưa Có Gì Khác Biệt So Với Ngày Nay?
Trung thu xưa và nay mặc dù vẫn giữ nguyên ý nghĩa là dành cho trẻ em và là Tết Đoàn Viên, tuy nhiên vẫn có sự khác biệt rõ rệt về hoạt động và bầu không khí ngày rằm, cụ thể:
Trung thu xưa | Trung thu nay | |
Hoạt động | – Trẻ em tự làm đèn ông sao, đèn kéo quân từ những vật liệu đơn giản như tre, giấy bóng kính. – Các trò chơi truyền thống: rước đèn, múa lân, bịt mắt bắt dê. | – Đèn lồng hiện đại nhiều màu sắc chạy pin, đèn led, kiểu dáng đa dạng. – Vui chơi tại các trung tâm thương mại, công viên… |
Không khí | Mang đậm không khí ấm cúng và giản dị. Trẻ em háo hức chờ đợi đến tối để rước đèn tự làm, phá cỗ dưới ánh trăng. Người lớn sum vầy bên gia đình, cùng nhau thưởng thức bánh Trung thu, uống trà và trò chuyện. | Náo nhiệt và hiện đại hơn với nhiều hoạt động vui chơi hiện đại như ca nhạc, múa lân… |
Bánh trung thu và quà tặng | – Chủ yếu các vị truyền thống như bánh trung thu thập cẩm, hạt sen, đậu xanh. – Quà Trung thu thường là đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy. | – Đa dạng hơn như nhân Tiramisu, nhân trứng chảy, trà xanh, khoai môn… – Quà tặng đa dạng hơn như đồ chơi điện tử, sách vở, socola… |
Mọi Người Thường Tặng Nhau Quà Gì Trong Dịp Tết Trung Thu?
Món quà Trung thu đặc trưng nhất là bánh Trung thu trong những chiếc hộp sang trọng. Ngoài ra mọi người còn tặng nhau đèn lồng, đồ chơi hoặc bất cứ thứ gì có ý nghĩa vật chất và tinh thần.
Tết Trung Thu Đã Được Thể Hiện Như Thế Nào Trong Văn Học, Nghệ Thuật Và Điện Ảnh Việt Nam Ta?
Tết Trung thu là nguồn cảm hứng vô tận cho văn học và nghệ thuật ở nước ta. Cụ thể:
- Thơ: Những bài thơ Trung thu nổi tiếng như Trung thu đến, Vui trung thu, Trăng Rằm Tháng Tám…
- Âm nhạc: Những bài hát Trung thu bất hủ như Chiếc đèn ông sao, Rước đèn tháng Tám, Thằng Cuội, Ông trăng xuống chơi, Vầng trăng cổ tích…
- Điện ảnh: Bộ phim hoạt hình về Trung thu nổi tiếng “The Tale Of Cuội 2020” được đánh giá là đáng xem nhất cho ngày rằm tháng Tám. Phim với kỹ xảo đặc sắc, nội dung phong phú và nhân văn là những điểm nhấn đáng chú ý của phim.
Những Món Ăn Không Thể Thiếu Trong Ngày Trung Thu Tại Việt Nam Là Gì?
Tùy vào văn hóa và truyền thống của vùng miền mà những món ăn Trung thu có thể thay đổi. Một số món ăn đặc sắc là: Bánh Trung thu, mâm ngũ quả, chè trôi nước, xôi cốm và bánh nướng, bánh dẻo…
Tết Trung thu là một trong những ngày lễ quan trọng, có ý nghĩa nhân văn đặc biệt trong văn hóa Việt Nam. Đây là một dịp gắn kết, đoàn viên, sum họp gia đình mà mỗi người cần trân trọng, giữ gìn. Hãy cùng nhau kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp của ngày lễ này đến mãi các thế hệ về sau nhé!