Theo văn hóa Đông Á, Thất Tịch 7/7 âm lịch hằng năm sẽ có mưa ngâu. Nếu trời không mưa thì sao? Cùng bTaskee khám phá rõ hơn về sự kiện này nhé!
Vì Sao Thất Tịch Trời Đổ Mưa Ngâu?
Theo Truyền Thuyết Dân Gian
Theo truyền thuyết mỗi khi Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau, họ mang theo nước mắt và nỗi niềm thương nhớ, bao tâm sự gặp lại nhau. Nước mắt hạnh phúc của đôi uyên ương rơi xuống nhân gian tạo thành những cơn mưa ngâu.
Tương truyền, Ngưu Lang là chàng chăn trâu cần cù nhưng nghèo khó. Nhờ tích cách thiện lương, chàng có được thiện cảm và nên duyên vợ chồng với Chức Nữ, một nàng tiên dệt vải xinh đẹp, con gái út của Vương Mẫu Nương Nương. Họ cùng nhau trải qua những năm tháng hạnh phúc và có hai người con, một trai một gái.
Hạnh phúc không kéo dài được lâu khi Ngọc Hoàng biết chuyện, nổi trận lôi đình và ra lệnh Vương Mẫu dẫn theo thiên binh đưa Chức Nữ trở về thiên cung. Khi vợ phải hồi cung, Ngưu Lang vội vàng cho mỗi con vào một cái thúng và gánh hai vai chạy theo đội thiên binh. Ngưu Lang cùng bay theo thiên binh lên trời, Vương Mẫu ném chiếc trâm bằng vàng xuống, hóa thành sông Ngân ngăn cách hai người. Ngưu Lang và Chức Nữ chỉ còn biết đứng hai đầu sông và nhìn nhau ngập tràn nước mắt.
Động lòng trước chân tình của 2 người nhưng cũng không thể làm trái quy định thiên đình. Ngọc Hoàng đã đồng ý cho hai người gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày Thất tịch – ngày 7 tháng 7 âm lịch hằng năm. Cầu Ô Thước chính là hình ảnh đàn quạ họp lại làm thành cây cầu bắc qua sông Ngân Hà để giúp Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau.
Nỗi vui mừng khi gặp nhau cũng như nỗi buồn sắp phải chia xa khiến Ngưu Lang và Chức Nữ không ngớt nước mắt. Những giọt lệ của họ đã rơi xuống trần gian hóa thành cơn mưa tháng 7, dân gian gọi là mưa ngâu (“ngâu” là cách đọc chệch âm “ngưu”. Hai tên gọi Ông Ngâu và Bà Ngâu cũng bắt nguồn từ chính câu chuyện tình cảm này).
Theo Góc Độ Khoa Học
Ở phương diện khí tượng, vào đầu tháng 7 âm lịch ở Việt Nam, trời thường đổ mưa, gọi là mưa ngâu. Đặc điểm của những cơn mưa này là rải rác, rả rích từng cơn, có ngày ít, có ngày nhiều chứ không liên tục. Vì thế mà hiện tượng thời tiết này được miêu tả là “trời mưa sụt sùi”. Dân gian Việt Nam có câu tục ngữ “Vào mùng 3, ra mùng 7”, nghĩa là trời sẽ mưa vào các ngày từ mùng 3 đến mùng 7, từ 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch.
Các chuyên gia thời tiết cho rằng nguyên nhân gây ra hiện tượng mưa ngâu trong khoảng thời gian này là do sự hoạt động mạnh của rãnh xích đạo Bắc Ấn Độ Dương, khu vực biển Đông và bán đảo Đông Dương. Khi hoàn lưu khép kín do rãnh xích đạo nằm xa xích đạo sẽ khiến mây tập trung thành 2 dải bên rìa đường hội tụ trong rãnh và gây ra mưa.
Nếu Ngày Thất Tịch Không Mưa Thì Nên Làm Gì?
Nếu ngày Thất Tịch trời không mưa, các đôi thường cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang Chức Nữ và thề hẹn. Đêm Thất tịch chòm sao Chức Nữ sẽ sáng vô cùng, các đôi lứa có thể chỉ sao mà thề hẹn rằng dù có trải qua bao nhiêu trở ngại cũng sẽ cố gắng vượt qua để được ở bên nhau. Nhiều người tin rằng, nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang và Chức Nữ vào đêm mùng 7 tháng 7 âm lịch, tình yêu sẽ trở nên viên mãn.
>> Khám phá: Tổng Hợp 30+ Cap Tỏ Tình Thất Tịch 7/7 Ngọt Ngào, Lãng Mạn Nhất 2024
Thời Tiết Ngày Thất Tịch 2024 Có Mưa Ngâu Không?
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, ngày Thất Tịch 2024 rơi vào thứ Bảy, ngày 10 tháng 8 năm 2024 (tức ngày 7 tháng 7 âm lịch). Dự báo có mưa rào và dông vào buổi chiều tối xảy ra diện rộng trên cả nước. Lượng mưa dự kiến chỉ khoảng 10-20mm và không kéo dài, nên không thể gọi là mưa ngâu.
Tại TP.HCM, dưới đây là một số thông tin dự báo thời tiết chi tiết cho ngày Thất Tịch 2024:
- Nhiệt độ:
- Cao nhất: 32°C
- Thấp nhất: 25°C
- Độ ẩm: 75%
- Gió: Đông Bắc, 10-15 km/h
- Tình trạng thời tiết:
- Buổi sáng: Mây râm, có khả năng mưa rào và dông
- Buổi chiều: Mưa rào và dông
- Buổi tối: Mưa rào và dông giảm dần
Lưu ý: Dự báo thời tiết có thể thay đổi, do đó bạn nên thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất.
4 Hoạt Động Khác Không Thể Thiếu Trong Ngày Thất Tịch 7/7 Âm Lịch
Cúng Lễ
Để cúng lễ Thất Tịch, các chàng trai và cô gái thường chuẩn bị mâm cúng đầy đủ lễ vật với ước nguyện tình duyên cát lành. Một số lễ vật cần chuẩn bị như lá mạ non, thau Thất Tỷ, các loại bánh trái.
Theo quan niệm dân gian, Chức Nữ là nàng tiên khéo tay và Ngưu Lang là chàng chăn trâu hiền lành. Người dân bày mâm cúng với những lễ vật này vào dịp Thất Tịch để cầu mong Chức Nữ ban sự khéo tay cho các cô gái và Ngưu Lang ban sức mạnh cho các chàng trai.
Đi Chùa Cầu Duyên
Trong cuộc sống hiện đại, các bạn trẻ đi cầu chùa khấn phật vào ngày Thất Tịch rất nhiều, đặc biệt là các bạn độc thân. Họ tin rằng nếu đi chùa và cầu xin Ngưu Lang Chức Nữ, họ sẽ có người yêu và một cuộc sống hôn nhân viên mãn.
Một số chùa nổi tiếng để cầu duyên ở Việt Nam là chùa Trấn Quốc ở Hà Nội, chùa Bửu Long ở Hồ Chí Minh, chùa Linh Ứng ở Đà Nẵng…
Thả Đèn Lồng
Ở nhiều nước Đông Á, ngày Thất Tịch thường có hoạt động thả đèn lồng với mong ước thần linh có thể nghe thấy những lời cầu nguyện. Họ cầu xin cho chuyện tình duyên, sự may mắn và sức khỏe…
Ăn Chè Đậu Đỏ
Tục ăn chè đậu đỏ và các món từ từ đậu đỏ ngày Thất Tịch 7/7 Âm lịch xuất phát từ giới trẻ Trung Quốc những năm gần đây và lan sang những quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Đậu đỏ có ý nghĩa cầu mong đường nhân duyên thuận lợi, người độc thân “thoát ế”, người đã có đôi thì bên nhau trọn kiếp.
Khám phá chi tiết tại bài viết: Khám Phá Lý Do Vì Sao Lại Ăn Chè Đậu Đỏ Ngày Thất Tịch
Với những thông tin trên mà bTaskee đã cung cấp, hy vọng sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc tại sao trời đổ mưa ngâu ngày Thất Tịch và những thông tin hữu ích xung quanh sự kiện này. Đừng quên theo dõi bTaskee để cập nhật thêm nhiều nội dung hữu ích khác nhé!