Dưa món là món ăn không thể thiếu vào dịp Tết Nguyên Đán của người Việt vì vị chua ngọt, giòn mát, rất thích hợp để ăn kèm với bánh chưng, bánh tét hoặc các món ăn khác để chống ngán. Việc làm dưa món ngày Tết cần tốn thời gian phơi và ngâm rau củ, nên bạn có thể làm trước khoảng một tuần nhé!
Cách làm dưa món ngâm nước mắm
Nguyên liệu cần chuẩn bị
Rau củ
Lưu ý: Các bạn có thể thay đổi rau củ tùy theo sở thích (Ví dụ: củ sen, ngó sen, dưa leo, bông cải,…)
Gia vị
- Đường: 500g
- Nước mắm: 0.5 lít
- Bột ngọt: 2 muỗng cà phê
- Muối: 2 muỗng cà phê
Dụng cụ
- Lọ thủy tinh lớn để đựng dưa món.
- Đũa chẻ hoặc lưới để chèn trên mặt khi ngâm.
Cách thực hiện
Bước 1: Sơ chế củ kiệu
Nên lựa kiệu ta – kiệu thân nở, đuôi kiệu nhỏ mảnh, có thắt eo ngay giữa vì kiệu này không chứa nhiều nước, khi ngâm giòn và thơm hơn loại kiệu to tròn.
Lột hết vỏ và rễ của củ kiệu, sau đó ngâm với một chút muối rồi rửa thật sạch, để cho ráo nước. Làm tương tự với hành tím, tuy nhiên hành tím không cắt ra mà để nguyên củ. Ớt rửa sạch, để nguyên trái.
Bước 2: Sơ chế rau củ
Rửa sạch đu đủ, cà rốt, su hào, củ cải rồi gọt vỏ. Sau đó bạn có thể cắt lát hoặc tỉa hoa, cũng có thể cắt theo hình răng cưa để khi muối, dưa món sẽ đẹp hơn. Lưu ý, không cắt quá mỏng vì rau củ còn đem phơi, nếu cắt mỏng dễ làm mất đi độ giòn khi ngâm dưa.
Bước 3: Ngâm rau củ với nước muối loãng
Pha muối với nước lạnh rồi đổ rau củ (đu đủ, cà rốt, su hào, củ cải) đem ngâm khoảng 20 phút để loại bớt vị hăng. Việc này giúp làm dưa món có vị ngon hơn.
Bước 4: Phơi rau củ
Đem tất cả rau củ, hành tím, củ kiệu, ớt phơi khô nơi có nắng. Thời gian phơi thường là khoảng 20 giờ nắng. Cho đến khi nguyên liệu đã khô và teo lại thì có thể đem vào để muối dưa món.
Bước 5: Làm nước mắm ngâm
Đun sôi 0.5l nước mắm và 500g đường, khi nước mắm sôi cho thêm 2 muỗng cà phê bột ngọt vào sau đó tắt bếp và để thật nguội. Bạn có thể nêm nếm lại vị mặn ngọt cho phù hợp khẩu vị gia đình mình.
Lưu ý: Nếu nước mắm chưa nguội mà bạn đã dùng thì dễ làm rau củ bị mềm, dưa món cũng không để lâu được.
Bước 6: Ngâm dưa món với nước mắm
Đun nước sôi để nguội hòa với ít muối để rửa sạch lại bụi bẩn khi phơi nắng, sau đó vắt ráo nước và để ráo. Chuẩn bị hũ thủy tinh rửa sạch, lau khô rồi tráng một lớp hỗn hợp nước mắm đã để nguội, việc này giúp dưa món lâu hư.
Tiếp theo, sắp rau củ vào hũ (nên lựa và sắp xếp sao cho hài hòa, đẹp mắt). Đổ hỗn hợp nước mắm vào hũ cho ngập các nguyên liệu, dùng đũa chẻ hoặc lưới để chèn không cho có rau củ nào bị nổi lên khỏi mặt nước mắm. Sau cùng, đậy nắp kín, để hũ ở chỗ thoáng mát và đợi thời gian nguyên liệu thấm nước mắm, khoảng từ 2-3 ngày là dùng được.
>> Xem thêm: Top 99+ Món Ăn Ngày Tết Cổ Truyền Ngon Miệng, Dễ Làm
Cách làm dưa món ngâm giấm ăn liền
Nguyên liệu cần chuẩn bị
Rau củ
- 200g đu đủ
- 200g cà rốt
- 200g củ cải trắng
- 200g củ su hào
- 200g củ kiệu
- 50g hành tím
- 50g ớt
Gia vị
- 700ml giấm gạo
- 700ml nước
- 200g đường
- 1 muỗng cà phê muối
Dụng cụ
- Hũ thủy tinh sạch
Cách thực hiện
Bước 1: Sơ chế rau củ
Rửa sạch và gọt vỏ các nguyên liệu rau củ, sau đó cắt thành dạng tùy thích nhưng không quá mỏng để món dưa có độ giòn và ngon hơn. Sau đó, ngâm rau củ với nước muối pha loãng trong vòng 20 phút rồi rửa lại với nước. Rửa 2 đến 3 lần để rau củ bớt hăng mùi.
Bước 2: Pha nước giấm
Cho tất cả đường, giấm gạo, nước đã chuẩn bị vào nồi rồi đun hỗn hợp trên bếp. Khuấy đều hỗn hợp cho đến khi tan hết. Sau đó tắt bếp và để nguội.
Bước 3: Ngâm dưa món nước giấm
Bỏ rau củ vào hủ thủy tinh khô, sạch. Sau đó đổ ngập hỗn hợp nước giấm đã làm vào sao cho ngập rau hết phần rau củ. Ngâm chúng trong vòng 2 giờ là có thể ăn được. Với cách này, nếu ngâm dưa món càng lâu thì rau củ thấm vị và ngon hơn.
Cách bảo quản dưa món
Sau khi làm xong một mẻ dưa món ngày Tết thơm ngon bạn cần phải bảo quản sao cho dưa món lâu bị chua và hư. bTaskee sẽ mách bạn những cách bảo quản sau đây để đảm bảo độ ngon của món ăn nhé!
Bảo quản dưa món trong hũ hoặc keo thủy tinh, sứ
Nên dùng hủ hoặc keo thuỷ tinh, sứ thay vì nhựa để bảo quản dưa món. Vì thuỷ tinh và sứ an toàn cho sức khoẻ và hạn chế bám mùi. Không những thế, bảo quản trong hũ thủy tinh hoặc sứ sẽ làm cho món ăn trông đẹp và hấp dẫn hơn.
Một lưu ý quan trọng là hũ thuỷ tinh trước khi cho món ăn vào, cần rửa sạch và để thật khô ráo. Nên bảo quản dưa món ở nơi thoáng mát và tránh ánh nắng mặt trời.
Bảo quản dưa món trong tủ lạnh
Bảo quản dưa món trong tủ lạnh là cách tốt nhất để món ăn lâu bị chua và hư. Bởi vì nhiệt độ trong tủ lạnh thấp nên sẽ hạn chế được sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc làm chua dưa món. Trước khi để vào tủ lạnh bạn có thể bỏ bớt phần nước ngâm dưa món để làm chậm quá trình lên men hơn.
Dùng đũa hoặc kẹp sạch để gắp dưa món
Để bảo quản dưa món tốt hơn thì bạn cũng nên lưu ý khi sử dụng. Mỗi lần ăn nên dùng đũa hoặc kẹp sạch để gắp dưa món ra dùng sẽ hạn chế được một phần vi khuẩn. Nếu dùng đũa đang ăn để gắp thì dưa món sẽ dễ bị chua và hư hơn.
Không cho dưa món thừa trở lại vào hủ
Trong mỗi bữa ăn bạn chỉ nên lấy dưa món vừa đủ, tránh dư thừa. Nếu có dư thì nên để riêng ra chứ đừng đổ ngược lại vào hũ đựng dưa món vì sẽ rất nhanh bị chua và hỏng.
Công việc nhà ngày Tết quá bận rộn khiến bạn không có nhiều thời gian để chuẩn bị những món ngon cho cả gia đình? Hãy đặt ngay dịch vụ giúp việc nhà theo giờ bTaskee để có thêm nhiều thời gian chăm lo chu toàn cho gia đình để cùng đón một mùa Tết sum vầy, hạnh phúc nhé.
Tải app bTaskee ngay để trải nghiệm các dịch vụ tiện ích!
Cách chọn rau củ làm dưa món ngày Tết
Cách chọn su hào
Nên chọn mua những củ su hào có kích thước vừa phải, củ cầm chắc tay và không bị mềm hay có hiện tượng héo. Củ su hào tươi ngon sẽ có vỏ màu xanh nhạt, không bị dập nát, cuống lá tươi xanh và không bị đứt gãy. Không nên mua củ su hào bị hư úng hoặc lớp vỏ quá nhẵn bóng vì rất có thể đã bị ngâm thuốc.
Cách chọn củ cà rốt
Nên chọn mua những củ cà rốt có hình dáng thuôn dài, kích thước vừa phải, củ cầm chắc tay. Cà rốt tươi ngon sẽ có màu cam đậm và sáng, cuống lá còn xanh tươi và dính chặt vào thân.
Cách chọn đu đủ xanh
Ưu tiên chọn mua trái đu đủ có lớp vỏ xanh đậm. Trái cầm nặng tay, không bị héo và không bị trầy xước, dập úng lớp vỏ ngoài.
Cách chọn củ kiệu
Nên chọn mua những củ kiệu có thân nhỏ vừa phải. Hạn chế chọn những củ kiệu quá to vì nó sẽ quá hăng và cay nồng. Củ kiệu nhỏ sẽ vừa ăn và nhanh thấm gia vị, ngon và giòn hơn.
Cách chọn củ cải
Nên chọn mua những củ cải có dáng thẳng, thuôn dài, cầm chắc tay, bóp nhẹ thấy hơi cứng, vỏ có độ giòn nhất định. Những củ cải tươi ngon sẽ còn nguyên phần cuống lá, bám chắc vào thân củ. Lá xanh tươi và còn giữ được tua rễ quanh củ. Tránh mua những củ cải có nhiều vết trầy xước, bị dập nát hay có các đốm đen khác lạ.
Trên đây là tổng hợp chi tiết các cách làm dưa món ngày Tết phổ biến. Hy vọng với những chia sẻ của bTaskee sẽ giúp bạn trổ tài khéo tay và làm tăng thêm hương vị cho mâm cơm ngày Tết nhé!
>>> Xem thêm các nội dung liên quan:
- 6+ Món Ăn Chống Ngán Ngày Tết Cực Dễ Làm Tại Nhà Mà Ai Cũng Khen Ngon
- Cách Muối Dưa Hành Ngày Tết Giòn Thơm, Không Bị Hăng Đãi Cả Nhà
- Cách Làm Củ Kiệu Ngày Tết Giòn Ngon Hết Ý